Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Trẻ Sơ Sinh Đi Bao Tay Đến Khi Nào? Mẹ nên biết

Trẻ Sơ Sinh Đi Bao Tay Đến Khi Nào? Mẹ nên biết

Sử dụng bao tay, bao chân cho trẻ sơ sinh là thói quen của nhiều mẹ với mục đích chống gió, chống lạnh, tránh cào xước mặt và tránh cho tay vào miệng.

Bao tay bao chân

Bao tay, bao chân cho trẻ sơ sinh

Từ trước đến nay theo kinh nghiệm chăm sóc con của các mẹ, trẻ sơ sinh thường nhanh mọc móng tay. Vì da tay bé còn non nớt, các mẹ lại kiêng cắt móng cho bé nên sử dụng bao tay, bao chân để bảo vệ bé, đề phòng bé tự cào vào mặt mình.

Đeo bao tay, bao chân cho bé nhưng mẹ không kiểm tra kỹ, không cắt đường chỉ thừa trong bao tay, chân, không tháo bao tay, chân để vệ sinh tay chân bé… đó chính là những nguy hiểm với tay, chân của bé như 2 trường hợp dưới:

Bé T.N.Y 1,5 tháng tuổi bị sợi chỉ trong bao tay xiết chặt khiến tay thâm tím và sưng đỏ. May mắn, bé được mẹ đưa đi bệnh viện kịp thời nên ngón tay không bị hoại tử và hồng hào trở lại. Khi tìm hiểu thì mới biết, mẹ bé khi vệ sinh cho bé, chỉ chú ý vệ sinh các bộ phận khác của cơ thể mà không chú ý vệ sinh tay chân, khiến sợi chỉ thừa trong bao tay siết chặt tay bé. Nếu mẹ không phát hiện kịp thời có thể khiến bé bị mất ngón tay mãi mãi.

Sợi chỉ trong bao tay siết chặt tay trẻ sơ sinh

Sơi chỉ trong bao tay siết chặt ngón tay trẻ sơ sinh

Một trường hợp khác là bé Hoàng A (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) nhập viện Nhi Trung ương Hà Nội vì khóc nhiều, sốt cao, bỏ bú. Sau khi kiểm tra kỹ các bộ phận trên cơ thể bé, các bác sĩ phát hiện bé bị sợi chỉ mảnh thừa trong bao chân quấn vào ngón chân giữa. Sợi chỉ quấn rất chặt khiến ngón chân của bé bị tím đen, hoại tử, buộc phải tháo khớp.

Theo y tá Nguyễn Văn Thuyết, khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương, hầu hết trẻ đến bệnh viên liên quan tới bao tay chân đều do cha mẹ lơ là việc vệ sinh cho trẻ và chủ quan vì nghĩ rằng đeo bao tay chân là an toàn. Hầu hết trẻ đeo bao tay chân 3 – 4 ngày không thay, khi đến bệnh viện tới 70% là bị tật nhẹ trên vùng da tổn thương.

Ngoài việc gây thương tật cho ngón tay, ngón chân của trẻ, nó còn làm giảm khả năng phát triển xúc giác. Theo những bà mẹ nhiều kinh nghiệm, bắt đầu từ tháng thứ 2 trở đi, bé đã học cách cầm nắm, vì vậy bỏ bao tay, bao chân sẽ tạo điều kiện để bé có cơ hội “khám phá”, làm quen tiếp xúc với các đồ vật.

Còn các chuyên gia Khoa Nhi cho rằng, trẻ sơ sinh sớm được bỏ bao tay thường có phản xạ nắm giữ tốt hơn trẻ  đeo bao tay nhiều ngày. Trẻ sơ sinh sau khi sinh ra cần được tiếp xúc với mẹ, sờ nắn mọi vật để phát triển xúc giác, đeo bao tay, bao chân vô tình khiến con mất đi khả năng này.

Đeo bao tay, bao chân an toàn cho bé

Lựa chọn bao tay, bao chân có chất liệu cotton mềm, cắt tất cả chỉ thừa trong bao tay, bao chân.

Khi đeo bao tay, bao chân cho trẻ sơ sinh nên lộn mặt ngoài.

Thường xuyên vệ sinh tay, chân trẻ sạch sẽ, thay bao tay sau mỗi lần vệ sinh hoặc khi trẻ đưa lên miệng gặm.

Đeo bao tay, bao chân khi trời trở lạnh để giữ ấm bàn tay, bàn chân cho trẻ. Nếu trời nóng, mẹ nên tháo bao tay, bao chân để da tay,  da chân con thoáng mát, đồng thời giúp con phát triển xúc giác một cách tốt nhất.

Mẹ chỉ nên đeo bao tay, bao chân khi bé sinh trong tháng đầu, ra tháng mẹ nên để da tay, da chân bé được tiếp xúc với mọi vật xung quanh một cách tự nhiên nhất.

Mẹ nên học cách cắt móng tay an toàn cho bé, có thể cắt lúc bé ngủ, và tốt nhất là sau khi bé tắm, lúc đó móng tay còn mềm, mẹ dùng dụng cụ cắt móng tay chuyên dụng cho trẻ sơ sinh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *