Bình sữa và núm ty cho bé là những món không thể thiếu khi mẹ chuẩn bị đồ đi sinh. Chất liệu là điều mà bố mẹ nào cũng quan tâm nhất khi chọn mua bình sữa cho trẻ sơ sinh. Dưới đây là 1 số hướng dẫn và kinh nghiệm mẹ cần biết khi mua bình bú sữa và núm vú cho con.
Cách chọn bình sữa cho trẻ sơ sinh
Hiện nay bình sữa có rất nhiều kiểu dáng và chất liệu nhưng được quy về 2 loại đó là “bình sữa bằng nhựa” và “bình sữa bằng thủy tinh“.
Trong 2 loại bình sữa này mình nên chọn bình sữa loại nào? Mình cùng tìm hiểu nhé!
Bình sữa bằng nhựa
Thường có giá rẻ hơn bình sữa bằng thủy tinh, nhẹ nên dễ cầm khi cho con bú. Lúc xem bình sữa mẹ chú ý về chất liệu được chú thích trên bình là phải tuyệt đối không có chất “BPA (bisphenol – A)” vì đây là hóa chất nhân tạo, có thể ngấm vào sữa gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con.
Tiếp xúc với chất BPA trong suốt những năm đầu đời được cho là có ảnh hưởng đến “tuyến tiền liệt” và sự phát triển của các “mô tuyến vú”, do đó có thể làm tăng nguy cơ “ung thư”. (Mẹ có thể tham khảo thêm bài viết: BPA và tác hại cho cơ thể)
Điều mình nhận thấy là mỗi một loại bình sữa lại đánh dấu chất liệu an toàn khác nhau, thật bối rối khi mình không biết ý nghĩa của những dấu hiệu đó. Qua tìm hiểu mình đã tổng hợp được thêm 4 dấu hiệu nhận biết chất liệu an toàn. Bạn để ý nhé để khi chọn cho con không bị lúng túng.
Dấu hiệu an toàn khi mua bình sữa bằng nhựa: Mẹ hãy quan sát trên phần thân bình hoặc đáy bình có các ký hiệu như Free BPA, Non –Toxic plastic, No – bisphenol A, 0% bisphenol A hoặc có các ký hiệu tái chế số 2, 5.
1 điều cẩn trọng nữa là khi bình sữa bằng nhựa được dán nhãn với số là “3” và “7” hoặc với hai chữ cái “PC” thường sẽ chứa BPA, BPS hoặc BPF, đây là nhựa không an toàn, mẹ không được mua.
Dấu hiệu “không an toàn” khi mua bình sữa bằng nhựa: Bình sữa được dán nhãn với số là “3” và “7” hoặc với hai chữ cái “PC” thường sẽ chứa BPA, BPS hoặc BPF, đây là nhựa không an toàn, mẹ không được mua.
Tuy nhiên, vì lợi nhuận, những sản phẩm bình sữa trên thị trường hiện nay ngày càng được làm rất tinh vi nên ngay cả với những sản phẩm được chú thích “BPA free” vẫn có khả năng chứa BPA, vì vậy để giảm rủi ro, mẹ hãy chọn những thương hiệu uy tín và được các mẹ đi trước tin dùng để đảm bảo an toàn.
Vậy là mình đã biết cách chọn chất liệu bình sữa an toàn cho con rồi ?
Bạn để ý nhé! Bây giờ có rất nhiều kiểu dáng bình sữa như bình to, bình nhỏ, bình cong, … Tại sao lại nhiều kiểu vậy? Mình nên chọn bình có kiểu dáng nào để phù hợp với con đây?
Bình sữa có nhiều kiểu dáng khác nhau nhưng cũng được quy về 2 dạng chính bạn à. Đó là “bình sữa cổ rộng” và “bình sữa cổ hẹp”.
Mẹ nên mua bình sữa cổ rộng hay hẹp
Loại | Hình Ảnh | Ưu Điểm | Nhược Điểm |
---|---|---|---|
Bình sữa cổ hẹp | Vừa tay cầm với bé hơn. Phù hợp hơn khi trẻ tập uống sữa bằng bình thì bé sẽ cầm bình chắc tay hơn. | Làm vệ sinh mất nhiều thời gian.
Mỗi lần pha sữa cũng phải cẩn thận để tránh làm rơi sữa ra ngoài. |
|
Bình sữa cổ rộng | Không sợ bị rơi sữa ra ngoài, pha sữa cho bé cũng nhanh. Phù hợp hơn với trẻ sơ sinh.
Bình sữa cổ rộng có núm ty cổ rộng, mô phỏng ngực mẹ, thiết kế này tạo cảm giác như bầu vú mẹ. Giúp bé thích bú sữa hơn. Vệ sinh dễ, không làm mất nhiều thời gian. |
Khi bé cầm sẽ không được chắc tay như bình cổ hẹp |
Hiện nay các mẹ thường lựa chọn bình sữa cổ rộng nhiều hơn, đặc biệt là những mẹ mới sinh lần đầu bởi sự tiện lợi trong việc pha sữa, làm vệ sinh không mất nhiều thời gian.
Việc chọn bình sữa an toàn và phù hợp cho con cũng không phải đơn giản bạn nhỉ :). Chọn chất liệu bình sữa rồi chọn bình cổ rộng hay cổ hẹp, rồi sau đó là chọn dung tích bình sữa phù hợp với từng độ tuổi của con… Bạn nghỉ 1 tẹo rồi mình tiếp tục nhé! ?
Mình tiếp tục nhé!
Chọn kích cỡ của bình nhựa phù hợp với bé: Thông thường nên chọn theo độ tuổi của bé:
+ Với trẻ sơ sinh: chọn loại 110ml – 150ml để bắt đầu cho bé bú.
+ Với bé từ 4 tháng trở lên: chọn loại 225ml – 260ml.
Vậy là mình đã đi được 1 /4 chặng đường rồi. Bạn hoàn toàn có thể tự tin hơn khi chọn bình sữa bằng nhựa cho con. Bây giờ mình tìm hiểu tiếp về bình sữa bằng thủy tinh nhé.
Bình sữa bằng thủy tinh
Với bình sữa bằng thủy tinh, mẹ có thể an tâm hơn khi dùng cho con vì chất liệu an toàn. Độ dẫn truyền nhiệt cũng tốt lại rất dễ cọ rửa. Tuy nhiên, vì là bình thủy tinh nên hơi nặng, khi rơi vỡ sẽ gây nguy hiểm cho con và mẹ. Do đó, khi dùng loại bình này, mẹ phải cẩn thận.
bình sữa cho trẻ sơ sinh bằng thủy tinh
Kích cỡ của bình sữa thủy tinh phù hợp với bé:
+ Bé từ 0 – 3 tháng tuổi: Nên dùng bình 50 – 120ml
+ Bé từ 3 – 12 tháng tuổi: Nên dùng bình 120 – 180ml
+ Bé trên 1 tuổi: Nên dùng bình 180 – 250ml
Nên chọn bình sữa bằng thủy tinh hay bình sữa bằng nhựa cho bé
Điều này thì tùy thuộc vào mỗi mẹ, theo mình có thể kết hợp cả 2.
Bình sữa thủy tinh sử dụng khi bé sơ sinh, còn nhỏ –> người lớn cầm cho bé bú.
Khi trẻ bắt đầu tập cầm bình bú thì nên đổi bình nhựa vì trẻ nhỏ thường hay thích quăng quật và tay bé vẫn chưa chắc, dễ làm rơi.
Nên mua mấy bình sữa cho trẻ sơ sinh
Mua bao nhiêu bình thì còn tùy thuộc vào mỗi mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa công thức. Nếu nuôi con chủ yếu bằng sữa mẹ (trộm vía), sữa công thức chỉ phụ thêm khoảng 1 bình/ngày thì nên mua mỗi size 1 bình là được. Size bé (110ml – 150ml) dùng khi bé < 3 tháng, size to (220 – 260ml) dùng khi bé > 3 tháng. Còn không mẹ có thể mua khoảng 2 bình loại 110ml – 150ml trước, sau đó căn cứ nguồn sữa mẹ mà có thể mua thêm 1-2 bình nữa, tránh mua nhiều lại không dùng đến thì lãng phí.
Bao lâu nên thay bình sữa cho bé?
Thông thường từ 4-6 tháng nên thay bình bú cho con một lần để đảm bảo chất lượng.
Khi bình sữa bị đổi màu cũng là một dấu hiệu bất thường.
Quan sát thấy bình sữa bị biến dạng do đổ nước nóng vào.
Bình sữa có mùi, đã vệ sinh nhưng không hết.
Nếu mẹ dùng bình sữa thủy tinh, cần phải kiểm tra kĩ trước khi sử dụng. Chỉ cần một vết xước ở chai đều có thể là nguy hiểm cho bé.
Bên cạnh việc chọn bình sữa thì việc chọn núm vú cho bé cũng rất quan trọng, mỗi bé hợp với loại núm vú khác nhau. Núm vú nào bé thích thì bé bú rất ngon lành.
Cách chọn núm vú phù hợp
Các loại núm bình sữa
Có 2 loại núm vú phổ biến là “núm vú silicon” và “núm vú cao su”. Sau đây mình so sánh 2 loại núm vú này để xem ưu nhược điểm nhé.
Đặc điểm | Núm vú silicon | Núm vú cao su |
---|---|---|
Chất liệu | Được làm bằng silicon | Được làm bằng cao su |
Độ dẻo và mềm | Núm vú silicon cứng hơn | Núm vú cao su có độ dẻo và mềm mại tốt, giống ty mẹ hơn |
Độ an toàn | Núm vú silicon được đánh giá là rất an toàn với trẻ sơ sinh | Núm vú cao su vẫn có thể gây dị ứng với 1 số trẻ |
Có mùi hay không? | Núm vú silicon không có mùi | Núm vú cao su có mùi, 1 số bé sẽ khó chịu |
Độ bền | Núm vú silicon bền hơn, sử dụng được lâu hơn, có thể lên tới 6 tháng – 1 năm | Núm vú cao su có tuổi thọ ngắn khoảng 1 tháng nên mẹ thường xuyên phải thay để đảm bảo vệ sinh |
Vệ sinh | Núm vú silicon dễ vệ sinh hơn, luộc sạch được. | Núm vú cao su vệ sinh khó hơn, nhiều mẹ luộc bị nở to ra, bị chảy, có mùi khó chịu |
Giá | Núm vú silicon có giá cao hơn | Núm vú cao su có giá rẻ hơn |
Đến đây, bạn đã biết chọn núm vú loại nào tốt cho bé chưa? nếu chưa, hãy đọc tiếp nhé ?
Nên chọn chất liệu núm vú bằng cao su hay núm vú bằng silicon
Đối với bé sơ sinh, còn nhỏ, đang vừa ti mẹ, vừa ti bình nên chọn núm vú bằng cao su vì mang lại cảm giác mềm mại, giống ti của Mẹ và bạn nên chọn núm ti dẹt, vì nó giống ty mẹ khi bé ngậm trong miệng. Nếu bé đang bú tốt mà không chịu bú nữa thì rất có thể núm vú cao su đó có mùi, lúc này mẹ nên chọn núm vú bằng silicon có đầu ti dẹt cho bé bú.
Đối với bé đang trong giai đoạn mọc răng, trong lúc bú bình, bé sẽ rất thích cắn, vì thế nên sử dụng loại núm vú silicon để có độ bền và thời gian sử dụng được lâu dài.
Ngoài ra có những loại núm ty có các công dụng đặc biệt như: Núm chống tưa lưỡi, núm chống nôn, trớ phù hợp với nhiều nhu cầu sử dụng.
Chọn kích cỡ núm vú cho trẻ theo độ tuổi
Trên vành núm ti thường có những kí hiệu S, M, L hoặc 1, 2, 3, 4….tức là mức độ chảy sữa phù hợp với bé. Với trẻ sơ sinh, Mẹ tất nhiên nên chọn núm vú cỡ S có tôc độ chảy chậm, 2-3 giọt/giây. Trẻ 2 -3 tháng có thể dùng cỡ M. Khi bé lớn hơn thì mẹ chuyển qua sử dụng núm vú to hơn, tốc độ chảy nhanh hơn một chút.
Hình dáng núm vú
Nên chọn núm vú có đáy rộng để bé có cảm giác giống như đang ti mẹ, hỗ trợ rất nhiều đặc biệt đối với những bé không quen bú bình khi còn nhỏ. Hơn nữa, loại núm vú này cũng rất dễ làm vệ sinh.
Nếu bạn muốn cai sữa mẹ cho con thì chọn hình dạng ty tròn (lúc này bé chỉ bú bình)
Mẹ lưu ý là nhãn bình nào đi với loại núm ti đó, bình cổ hẹp hay bình cổ to đều có loại núm vú tương tự cho nó.
Còn 1 điều này rất quan trọng nữa. Em bé cũng là 1 ngôi sao lành nghề trong việc lựa chọn núm vú đó, núm vú nào bé thích thì bé bú rất ngon lành.
Còn núm vú nào không thích á, bé cứ nhai tới nhai lui mà không chịu bú đâu ^^. Vì vậy tùy theo từng bé, mẹ quan sát con để chọn núm vú cho bé nha!
Khi nào nên thay núm vú cho trẻ?
Thông thường, khoảng 2-3 tháng, phải thay mới một lần để đảm bảo vệ sinh.
Sữa chảy thành dòng ồ ạt, dẫn đến gây sặc cho trẻ
Núm vú đổi màu
Núm vú khi kéo dãn không quay lại hình dáng ban đầu.
Núm vú bị dính lại hoặc phồng ra